Omega-3 là một trong số các chất béo “tốt” mà cơ thể không thể tự sản sinh và bạn phải bổ sung thông qua chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng. Omega-3 giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, mất trí nhớ và viêm khớp.
3 loại axit béo omega-3
Axit béo Omega-3 có trong cá, gọi là DHA và EPA, được xem là mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất. Ngoài ra, omega-3 còn có ở một dạng khác là ALA, có trong dầu thực vật, hạt lanh, quả óc chó và các loại rau lá xanh đậm như rau bina. Cơ thể có thể chuyển hóa ALA thành EPA và DHA nhưng chỉ với một lượng nhỏ.
Omega-3 giúp chống lại bệnh tật như thế nào?
Omega-3 có khả năng giảm viêm trong mạch máu (và nhiều bộ phận trong cơ thể). Bổ sung omega-3 liều cao có thể làm giảm tình trạng nhịp tim bất thường, giảm nồng độ mỡ trong máu (triglycerides) và ngăn tích tụ mảng bám trong mạch máu.
Omega-3 cho người bệnh tim
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người tăng cường bổ sung omega-3 có nguy cơ đau tim và tử vong do bệnh tim mạch ít hơn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người bị bệnh tim nên tiêu thụ 1g EPA và DHA mỗi ngày. Cách bổ sung tốt nhất là ăn các loại cá giàu chất béo và cũng có thể bổ sung bằng dầu cá dạng viên nang mềm.
Omega-3 điều hòa nhịp tim
Omega-3 có khả năng làm giảm nhịp tim và ngăn ngừa chứng loạn nhịp tim (arrhythmias).
Omega-3 giúp hạ triglyceride
Omega-3 dạng DHA và EPA có thể giúp giảm nồng độ triglyceride – mỡ trong máu dẫn đến các bệnh về tim mạch. Lưu ý nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung omega-3 dạng thực phẩm chức năng vì một số loại có thể làm tăng nồng độ cholesterol xấu LDL. Bên cạnh việc bổ sung omega-3, bạn nên tăng cường tập luyện, uống ít rượu bia, ăn ít đồ ngọt và carb đã qua chế biến như bánh mì trắng và gạo trắng để giảm mỡ trong máu.
Omega-3 cho người huyết áp cao
Omega-3 giúp làm giảm huyết áp. Người bị huyết áp cao nên tăng lượng omega-3 tiêu thụ, thay thế thịt đỏ bằng cá, không ăn các loại cá mặn như cá hồi hun khói và giảm lượng muối trong chế độ ăn.
Omega-3 có ngừa đột quỵ không?
Thực phẩm giàu omega-3 và thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 giúp ngăn hình thành mảng bám trong mạch máu, từ đó tăng tuần hoàn máu và ngừa các cơn đột quỵ gây ra bởi cục máu đông hoặc do tắc nghẽn động mạch. Tuy nhiên, tiêu thụ omega-3 liều quá cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do chảy máu.
Omega-3 cho người viêm khớp dạng thấp
Các nghiên cứu cho thấy omega-3 có thể giảm bớt cơn đau và sưng khớp ở người bị viêm khớp dạng thấp. Chế độ ăn omega-3 còn giúp tăng hiệu quả của thuốc giảm viêm.
Omega-3 có ích cho người bị trầm cảm?
Thống kê cho thấy tỷ lệ tình trạng trầm cảm thấp hơn ở các quốc gia mà người dân tiêu thụ nhiều omega-3. Mặc dù vậy, omega-3 không được xem là phương pháp điều trị dành cho người bị trầm cảm.
Giúp ích cho người bị chứng ADHD
Một số nghiên cứu cho rằng thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 có thể làm giảm các triệu chứng của chứng Rối loạn Tăng động Giảm chú ý hay chứng ADHD.
Axit béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và chức năng của não bộ. Tuy nhiên, omega-3 chỉ mang đến lợi ích hỗ trợ phương pháp điều trị truyền thống và không thể thay thế các phép điều trị khác.
Lợi ích của omega-3 đối với chứng mất trí nhớ
Một số bằng chứng cho thấy omega-3 giúp bảo vệ cơ thể khỏi chứng mất trí nhớ và suy giảm tinh thần do tuổi tác. Một nghiên cứu ở người lớn tuổi cũng nhận thấy người có chế độ ăn giàu omega-3 sẽ có ít nguy cơ bị chứng Alzheimer’s hơn.
Omega-3 và trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ nên ăn nhiều cá nhưng cần thận trọng với các loại cá nhiều thủy ngân như cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình.
Nguồn thực phẩm bổ sung omega-3
Cá là nguồn thực phẩm bổ sung axit béo omega-3 dạng DHA và EPA tốt nhất. Một số loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm và cá ngừ giàu omega-3 hơn các loại khác. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên tiêu thụ ít nhất 2 phần cá mỗi tuần.
Omega-3 trong cá ngừ
Cá ngừ là một nguồn giàu omega-3. Cá ngừ trắng chứa nhiều omega-3 hơn cá ngừ đóng hợp nhưng cũng có hàm lượng thủy ngân cao hơn.
Tránh tiêu thụ cá nhiễm thủy ngân
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra lời khuyên cho trẻ em, phụ nữ sắp mang thai, đang mang thai và cho con bú về việc tiêu thụ cá để bổ sung omega-3:
Tiêu thụ cá ngừ trắng dưới 170 g mỗi tuần.
Tiêu thụ các loại cá chứa ít thủy ngân dưới 340 g mỗi tuần.
Tránh tiêu thụ cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình.
Bỏ da và mỡ cá trước khi đem chế biến.
Thực phẩm chức năng bổ sung Omega-3
Bên cạnh nguồn thực phẩm bổ sung omega-3 là cá, ta có thể bổ sung thông qua thực phẩm chức năng. Liều khuyến nghị dành cho bệnh nhân bị bệnh tim là 1g mỗi ngày. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì omega-3 liều cao có thể phản ứng với thuốc hoặc tăng nguy cơ xuất huyết.
Nguồn Omega-3 cho người ăn chay
Người ăn chay có thể bổ sung omega-3 thông qua thực phẩm chức năng từ tảo, dầu hạt cải, hạt lanh, quả óc chó, bông cải xanh, rau bina hoặc các sản phẩm tăng cường omega-3.